Thứ Tư, 23 tháng 11, 2016

TẠI SAO NHỮNG NHÂN SỰ MỚI NGHỈ VIỆC 50% SAU TUẦN ĐẦU TIÊN LÀM VIỆC?

Đây là một vấn đề đau đầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam hiện nay. Các nhân sự trẻ nghỉ việc quá nhanh khiến cho chi phí tuyển dụng, chi phí đào tạo và chi phí cơ hội của doanh nghiệp tăng cao, gây lãng phí nguồn lực, giảm hiệu suất kinh doanh của doanh nghiệp rất nhiều.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này. Nhưng dường như doanh nghiệp chưa thực sự đi SÂU vào vấn đề, vào nguyên nhân để tìm ra giải pháp đúng đắn. Họ vẫn miệt mài tuyển dụng, từ tháng này sang tháng khác, năm này sang năm khác (đương nhiên vì thế mới có đất cho dự án VietHunter của mình phát triển). Nhưng nghĩ cũng thương thật.
Vậy vấn đề chính yếu ở đâu?
Sau khi đã nói chuyện khai thác thông tin của các bạn trẻ nghỉ việc sau tuần đầu tiên làm việc thì tôi nhận ra một vấn đề (một insight rất sâu, rất quan trọng), đó là nằm ở TÂM LÝ NHÂN VIÊN MỚI.
Cụ thể như thế nào? Khi một nhân viên mới vào làm việc, tâm lý họ vẫn đang rất YẾU, trong lòng đầy lo lắng, không biết mình có làm tốt ở đây không? không biết có hợp với sếp không? Không biết đồng nghiệp thế nào? Thậm chí họ còn lăn tăn vấn đề ăn trưa ở đâu, đi vệ sinh chỗ nào?... Ai vào một môi trường mới cũng đang còn rất bỡ ngỡ và lo lắng. Chỉ cần 1 tác động rất nhỏ như một cái nhíu mày của chị hành chính, một thái độ không hài lòng của sếp hay một vài lời từ chối đơn giản của khách hàng cũng khiến cho họ bỏ cuộc.
Đương nhiên họ sẽ không bỏ cuộc dễ dàng như vậy nếu việc họ ứng tuyển vào doanh nghiệp RẤT KHÓ KHĂN và họ có ÍT CƠ HỘI có được công việc khác tương tự. Nhưng với doanh nghiệp vừa và nhỏ thì thường tuyển dụng khá dễ dàng (vì họ rất cần người), hơn nữa, cơ hội có công việc khác tương tự lại rất nhiều, thành ra họ lại không quý trọng cơ hội làm việc tại các công ty vừa và nhỏ.
Và cũng đương nhiên là họ cũng sẽ không bỏ cuộc nhanh như vậy nếu doanh nghiệp có sự QUAN TÂM ĐÚNG MỨC với họ trong những ngày đầu tiên họ làm việc. DN vừa và nhỏ thường hay BỎ MẶC nhân viên mới, để họ tự bơi, vứt cho họ tài liệu để họ đọc, đọc chán chê rồi giao việc nhưng không hướng dẫn chi tiết, lại để họ bơ vơ, lạc lõng, thành ra họ chẳng biết làm gì, họ cảm thấy lúc đó công việc thì khó, sếp lại không quan tâm, lại chưa quen ai...tâm trạng cứ xuống dần, xuống dần rồi cuối cùng họ quyết định nghỉ. Cảm giác bơ vơ, lạc lõng, rồi thấy mình chẳng có giá trị gì với doanh nghiệp khiến tâm trạng họ tệ đến mức đi đến quyết định nghỉ rất sớm.
Trường hợp ở 1 cty về dịch vụ mình tuyển 3 telesales. 2 ngày đầu họ được đào tạo và bắt đầu gọi cho khoảng vài chục khách hàng. Khách hàng từ chối liên tục khiến họ cảm thấy chán nản, buổi trưa thì 3 bạn mới đi ăn cùng nhau, ngồi cùng nhau và lan toả cảm xúc tiêu cực với nhau. Sang ngày thứ 3 thì 2 bạn thực sự đã nản và muốn nghỉ. Họ đi làm buổi sáng rồi chiều nghỉ luôn kèm theo 1 email với trưởng phòng bảo em không phù hợp với công việc này. Còn 1 bạn thì có kinh nghiệm hơn, chưa nản lắm nhưng vì 2 bạn kia nghỉ nên cũng quyết định nghỉ nốt. Điểm quan trọng nhất trong việc này là họ cảm thấy công viêc khó, tâm trạng xuống mà lại không có sự khích lệ động viên kịp thời của quản lý, hơn nữa họ cũng chưa kết nối được với bất cứ ai trong công ty để đủ cảm xúc ở lại. Cuối cùng kết quả là nghỉ hết!
Như vậy, ở các DN vừa và nhỏ, để hạn chế tình trạng này cần cử người quan tâm để ý đến các ứng viên mới (nếu có chương trình đào tạo hội nhập thì tốt), hơn nữa cần có kế hoạch giao việc, hướng dẫn công việc chi tiết, động viên kịp thời thậm chí ăn trưa cùng họ, tạo kết nối với họ để giúp họ hoà nhập với môi trường nhanh hơn. Chi phí cho việc này không phải quá nhiều, và chắc chắn ít hơn và đỡ bực mình hơn là phải tuyển dụng lại một lần nữa. Quan trọng nhất vẫn là các chúng ta ỨNG XỬ và KẾT NỐI với những nhân viên mới để giúp họ vượt qua được giai đoạn TÂM LÝ NHẠY CẢM của người mới.

_ST_


VŨ LINH HR