Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2016

6 kiểu sếp khiến bất kỳ nhân viên giỏi nào cũng muốn “bỏ chạy”

Một trong những lý do khiến nhân viên giỏi "dứt áo ra đi" là do sếp!




Theo một nghiên cứu của Gallup, nhiều nhân viên có xu hưởng bỏ việc mà nguyên nhân xuất phát là do sếp. Trong một nghiên cứu khác có sự tham gia của 7.200 người trưởng thành thì thiết lập mục tiêu và quản lý các ưu tiên là hai trong số các yếu tố quan trọng nhất đối với nhân viên khiến họ cảm thấy hài lòng với quản lý.
Sẽ là điều sửng sốt nếu như bạn nghe người quản lý hoặc ông chủ phàn nàn rằng những nhân viên xuất sắc nhất của họ đang dần "dứt áo ra đi". Vấn đề là họ không rời bỏ công việc - họ rời bỏ ông chủ. Không một nhân viên nào muốn ở trong một môi trường khắc nghiệt và căng thẳng - một môi trường chẳng hề có chỗ cho các cá nhân vươn lên để đạt được mục tiêu sự nghiệp của mình. Để ngăn chặn cuộc "khủng hoảng nội bộ" không mong muốn này, điều quan trọng là các nhà lãnh đạo cần phải nhận ra những mong muốn của nhân viên và tạo điều kiện để họ đạt được những mong muốn đó.
Dưới đây là 6 kiểu ông chủ có khả năng khiến nhân viên "bỏ chạy" sớm nhất.

1. Sếp không tin tưởng nhân viên

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà lòng tin được xem như là một loại hàng hóa khan hiếm. Tuy nhiên, trong vai trò của một ông chủ, khi bạn thuê một ai đó về làm việc cho mình nghĩa là bạn đã đặt một niềm tin nhất định vào khả năng của họ. Chẳng có lý do gì để bạn luôn lo lắng về những điều không bao giờ hoặc có vô cùng ít khả năng xảy ra cả.
Khi một ông chủ liên tục đặt câu hỏi tỏ vẻ nghi ngờ cho mỗi hành động hoặc quyết định mà cấp dưới đưa ra thì nhân viên sẽ trở nên rất thất vọng. Hãy nhớ rằng, nhân viên cần có cơ hội để chứng minh giá trị của họ.

2. Sếp không bao giờ khen thưởng cho các thành tích của nhân viên

Nhân viên xuất sắc - họ không bao giờ mong đợi một cơ hội thăng tiến ngay lập tức sau khi làm được điều gì đó tốt hoặc giúp công ty đạt được một phần mục tiêu trong năm. Họ biết cần thời gian và phải qua một quá trình đánh giá. Tuy nhiên, chẳng có gì sai khi họ cần quản lý của mình dành cho một cái vỗ nhẹ sau lưng để động viên hay một lời khen ngợi. Chẳng có nhân viên nào không thích khi sếp giơ ngón tay cái lên ra hiệu "ok" cho nỗ lực làm việc không ngừng cả.
Người quản lý cần phải hiểu rằng khi nhân viên đã cố gắng làm việc để đáp ứng thời hạn và đạt được mục tiêu thì họ cần được thưởng cho những gì đã bỏ ra. Họ sẽ không bao giờ rời khỏi công ty và luôn trung thành nếu được động viên đúng lúc.

3. Sếp không trung thực

Nhân viên luôn tôn trọng và đánh giá cao những người quản lý tin tưởng và trung thực với họ. Họ không cần một lời nói hoa mỹ rằng công ty đang phát triển trong khi doanh thu hàng tháng sụt giảm và hàng hóa không bán được; họ không cần những lời ngon ngọt để làm việc hết mình trong khi không biết tương lai của họ liệu có thể nghĩ tới các cơ hội phát triển tại tổ chức hay không? Khi những lời nói của cấp trên trở nên thiếu trung thực thì chẳng có nhân viên nào muốn trung thành với họ nữa.
Hãy trở thành một ông chủ quyết đoán và vững chắc cả trong lời nói lẫn hành động để khiến nhân viên tâm phục, khẩu phục.

4. Sếp khó tính

Nhân viên có bao nhiêu cơ hội nói lên suy nghĩ và ý tưởng nếu làm việc với một người quản lý khó tính? Sếp luôn tỏ ra là một người quản lý "biết tuốt" mọi việc và làm ngơ trước bất kỳ đề xuất hay quan điểm của cấp dưới? Liệu rằng có nhân viên giỏi nào muốn bám trụ tại một nơi họ không thể được lên tiếng hay không?
Giống với các ông chủ, nhân viên, đặc biệt là các nhân viên xuất sắc cũng luôn căng tràn ý tưởng mà chỉ cần một vị sếp có tài lãnh đạo là đã có thể khai phá được khả năng sáng tạo của những con người này.

5. Sếp bắt nhân viên làm việc quá sức

Theo một nghiên cứu, làm việc quá 50 tiếng/tuần sẽ khiến năng suất và hiệu quả công việc bị giảm sút. Không một ai muốn bị rơi vào hội chứng "Burnt Out" (hội chứng "cháy sáng" do làm việc quá sức khiến cơ thể mệt mỏi, mất động lực, tinh thần làm việc và có thể dẫn tới nhiều triệu chứng tâm lý nghiêm trọng khác) cả. Thay vì cố gắng giao hàng loạt công việc cho nhân viên thì hãy đánh giá và tôn trọng những nỗ lực của họ.
Ngay cả khi đó là những nhân viên tài năng và tháo vát trong mọi công việc được giao thì cũng khó có ai có thể duy trì được nhịp độ công việc khi phải làm việc quá sức. Tăng khối lượng công việc có nghĩa là các ông chủ cũng cần chấp nhận việc tăng thưởng, tăng các chính sách động viên và đãi ngộ cho nhân viên. Ngược lại, nếu vẫn phải làm việc cho một ông chủ chỉ thích biến nhân viên thành nô lệ thì với họ, "đầu quân" cho một công ty khác là lựa chọn không cần cân nhắc.

6. Sếp tuyển và thăng chức sai người

Nói một cách đúng hơn là sếp thiên vị cho một nhân viên nào đó trong khi người này chẳng hề có đóng góp hay năng lực nào thực sự được phát huy cho quá trình phát triển của công ty cả.
Không có gì khủng khiếp hơn khi một nhân viên đầy tài năng lại phải làm việc dưới sự lãnh đạo của một ông chủ ngu dốt. Bởi lẽ, họ sẽ không thể nào phát huy được khả năng của mình khi những cống hiến chẳng bao giờ được ghi nhận hay bị đặt nhầm chỗ.
Do vậy, để tuyển dụng được nhân tài, các ông chủ cần phải trung thành với quy tắc: tuyển đúng người và giao đúng việc. Nếu vẫn tỏ ra thiên vị và khen thưởng sai người thì chẳng khác nào bạn đang "đuổi" nhân viên giỏi ra khỏi tổ chức.


Vũ Linh HR

Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2016

NGƯỜI THÀNH CÔNG LÀM GÌ VÀO CUỐI TUẦN

Cuối tuần là thời điểm thư giãn, nghỉ ngơi cho mọi người, nhưng với người thành công, họ có cách riêng để tận hưởng 2 ngày trọn vẹn.


1. Lên kế hoạch trước
Để chuẩn bị cho ngày nghỉ cuối tuần, những người thành công đã lên kế hoạch với các hoạt động cụ thể như đặt chỗ cho chuyến đi du lịch ngắn ngắn, tham gia các hoạt động vui chơi với con cái...Họ lên kế hoạch cụ thể cho ngày cuối tuần nhưng luôn kèm kế hoạch dự phòng để giải quyết linh hoạt bất kỳ tình huống nào phát sinh từ công việc.

2. Chuẩn bị cho ngày cuối tuần
Những người thành công luôn cố gắng hoàn thành công việc để có ngày nghỉ cuối tuần dài và thư giãn, tận hưởng đúng nghĩa. Trước khi nghỉ cuối tuần, họ thường dọn dẹp văn phòng, hoàn thành công việc, lập kế hoạch làm việc sau ngày nghỉ cuối tuần như thế nào.

3. Thiết lập cách liên lạc
Những người thành công đều thiết lập quy tắc Email, điện thoại cho bản thân và những người cùng làm việc để mọi người hiểu. Quy tắc như vậy giúp người làm việc cùng có thời gian thoải mái cho kỳ nghỉ nhưng khi có tình huống đột xuất sẽ có cách xử lý và liên lạc, phối hợp kịp thời.

4. Dành thời gian với gia đình và bạn bè
Trong tuần thật khó để dành thời gian cho điều mà bạn muốn, đơn giản vì khối lượng công việc đồ sộ. Cho nên cuối tuần sẽ có đủ thời gian để sắp xếp cho các cuộc gặp với bạn bè, đi chơi, dã ngoại với người thân hoặc đơn giản là ăn cơm cùng gia đình.

5. Tham gia tình nguyện
Người thành công có thể dành thời gian cuối tuần tham gia các nhóm từ thiện để tình nguyện giúp đỡ mọi người hay các hoạt động cộng đồng xã hội có ý nghĩa.

6. Kế hoạch nho nhỏ cho bản thân
Một số người thành công lên một kế hoạch nhỏ cho kỳ nghỉ cuối tuần. Ở nhà có thể là sự lựa chọn hấp dẫn, vừa nghỉ ngơi mà không phải đi đâu xa có thể khiến ngày đầu tuần thêm mệt mỏi. Lựa chọn tốt nhất có thể đi thăm một địa điểm gần, mất khoảng 1-2 tiếng di chuyển, không phải suy nghĩ hay lên kế hoạch quá lâu.

7. Ra ngoài trời, tận hưởng sự trong lành
Ngày nghỉ cuối tuần là thời điểm hoàn hảo để ra ngoài, hít thở bầu không khí trong lành. Suốt cả tuần lễ phải ngồi trong văn phòng kín mít, cuối tuần là cơ hội để giúp cơ thể hòa mình vào thiên nhiên.

8. Tập thể dục
Những người thành công hiểu tầm quan trọng của tập thể dục với sức khỏe thể chất và tinh thần. Vì vậy, họ tranh thủ ngày cuối tuần để tập thể dục, thay vì lười biếng ngủ nướng nhiều tiếng đồng hồ.

9. Tham gia các hoạt động mà bản thân ưa thích
Cuối tuần là thời gian tuyệt vời để thư giãn với trò tiêu khiển hoặc sở thích của bạn dù là mua sắm, chơi golf, đọc sách ,vẽ tranh...Tất cả những điều này làm cho bạn cảm thấy hạnh phúc bởi khó có thể làm được trong tuần.

10. Không nghĩ về công việc
Đây thực sự là thách thức với nhiều người nhưng những người thành công không đặt nặng về những công việc đang chờ đợi tuần tới hay các deadline chưa hoàn thành. Thay vào đó, họ tranh thủ thưởng thức kỳ nghỉ trọn vẹn.

11. Nạp năng lượng
Tất cả chúng ta cần nghỉ ngơi, điều này là cách để nạp năng lượng hiệu quả. Sau một tuần làm việc vất vả, có người sẽ cảm thấy cạn năng lượng hay "sập nguồn". Những người thành công sử dụng ngày nghỉ cuối tuần để nghỉ ngơi và nạp năng lượng cho những ngày làm việc vất vả sắp tới.

12. Chuyển ngày nghỉ
Một số người thành công sẽ có cách riêng, họ đi làm vào ngày nghỉ và chọn nghỉ vào ngày bình thường. Vào ngày nghỉ, họ sẽ có không gian riêng tư cho bản thân đê, có thể làm việc mà không bị phân tâm sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

13. Suy nghĩ trước khi bắt đầu tuần mới
Sau khi hết cuối tuần, người thành công thường nghĩ về các mục tiêu quan trọng, kế hoạch đặt ra cho tuần trước mắt. Đó là cách để họ hình dung về công việc cần giải quyết tránh bị lộn xộn hay không cảm thấy mệt mỏi khi phải đối diện với hàng loạt deadline chưa hoàn thành.


Vũ Linh HR

Thứ Năm, 14 tháng 7, 2016

Bầy chó và thợ săn: Bài học về cách khiến nhân viên chỉ muốn làm việc cho bạn cả đời

Câu chuyện về cách quản lý bầy chó của người thợ săn dưới đây sẽ khiến mọi nhà quản lý phải tâm phục, khẩu phục, nhất là bài học về lương thưởng.




Một chú chó săn chạy khắp cánh đồng dưới chân núi mà không bắt được con thỏ nào.
Người chăn dê thấy thế thì cười, trêu chú chó:
– Chú thật bất tài. Con thỏ nhỏ hơn chú bao nhiêu mà còn chạy nhanh hơn.
Chó săn đáp:
– Ông không biết mục đích chạy của bọn tôi hoàn toàn khác nhau! Tôi chạy chỉ vì miếng ăn, còn thỏ chạy vì tính mạng!
Thợ săn nghe cuộc trò chuyện của người chăn dê và chú chó, nghĩ bụng: “Con chó này nói đúng. Nếu ta muốn có nhiều thỏ hơn thì phải nghĩ cách khác”. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu thợ săn. Đó là tia lửa đầu tiên của khoa học quản lý.
Thế là thợ săn ra chợ mua thêm mấy con chó săn khác. Sau đó, ông ta ra chính sách mới: Hễ con nào bắt được đủ số thỏ sẽ được “trả lương” bằng mấy chiếc xương. Không bắt được thỏ thì không có ăn.
Chiêu mới quả cao tay. Bầy chó tranh nhau săn bắt, đem rất nhiều thỏ về, bởi chẳng con nào muốn thấy chó khác gặm xương, trong khi mình hóp bụng trương mắt ếch.
Được một thời gian, lại có vấn đề xuất hiện. Bầy chó nhận ra: Thỏ lớn khó bắt hơn thỏ bé, vậy mà bắt được bất kể thỏ lớn hay thỏ bé thì đều nhận trả công như nhau. Lúc đầu chỉ có một vài con giỏi nhận xét mới chuyên bắt thỏ nhỏ, sau cả đàn đều làm theo.
Thợ săn hỏi:
– Gần đây thỏ bọn bay bắt được càng ngày càng nhỏ, vì sao vậy?
Bầy chó trả lời:
– Thỏ lớn thỏ nhỏ không khác nhau, ai phí công đi bắt thỏ lớn đây?
Sau một thời gian suy nghĩ, thợ săn quyết định không dùng xương để trả cho số lượng thỏ, mà dùng phương pháp đánh giá hiệu quả: Cứ một thời gian lại thống kê số lượng thỏ của từng con săn về, từ đó trả công theo từng giai đoạn.
Cách quản lý mới của thợ săn lập tức có tác dụng, số thỏ bầy chó săn về tăng cả số lượng lẫn chất lượng. Thợ săn rất đắc ý.
Thế nhưng, ngày này qua ngày khác, thợ săn lại thấy số thỏ bầy chó săn về giảm rõ rệt, mà những con chó càng nhiều kinh nghiệm thì lại đem về càng ít thỏ.
Thợ săn hỏi bầy chó. Bầy chó đáp:
– Quãng đời đẹp nhất của bọn tôi đều là cho ông, chủ nhân. Nhưng giờ bọn tôi ngày một già. Khi không bắt được thỏ nữa, ông có còn cho tôi xương không?
Thế là thợ săn thống kê lại toàn bộ số thỏ bắt được của từng con, tiến hành phân tích, đưa ra quy định mới về trả công: Nếu bắt được số thỏ vượt một mức nhất định, chó săn khi về già sẽ được trả số xương nhất định.
Bầy chó vui sướng, tất cả lại lao đi săn, cố để hoàn thành nhiệm vụ ông chủ giao. Qua một thời gian, một số chú chó đã hoàn thành chỉ tiêu.
Một thời gian sau, có một con nói:
– Chúng tôi cố gắng thế mà chỉ được trả mấy khúc xương, mà số thỏ tôi săn được quý gấp bao nhiêu lần xương. Vì sao chúng tôi không bắt thỏ cho chính mình nhỉ?
Thế là có mấy chú chó bỏ thợ săn, tự mình lập xưởng bắt thỏ.
Vậy câu chuyện có ý nghĩa gì? Đó chính là các bước phát triển của khoa học quản lý.
Không chỉ có thợ săn, ngay cả chó săn cũng có nhu cầu lập nghiệp.
Trong môi trường công sở cũng vậy. Là một nhà quản lý, giống như người thợ săn, nếu như không biết cách quản lý, khích lệ và tạo điều kiện cho nhân viên, bạn sẽ không nhận được sự cống hiến hết mình từ họ.
Trả lương, thưởng, đánh giá hiệu quả, tạo điều kiện để nhân viên thực hiện kế hoạch…đều là những công cụ hữu hiệu để nhà quản lý kích thích tinh thần làm việc của nhân viên.
Tạo “đất” cho nhân viên làm việc là một kỹ thuật quản lý mới. Một mặt nó giúp nhân viên hiểu rõ vị trí và phương hướng làm việc của mình trong công ty, phát huy năng lực, thỏa mãn tình yêu công việc và khát vọng thành đạt của nhân viên; mặt khác nó là cách giữ gìn và phát triển hữu hiệu nguồn lực con người, đáp ứng cả nhu cầu hiện tại và tương lai của công ty.
Ngoài ra, nhà quản lý cũng phải thừa nhận rằng ai cũng có nhu cầu lập nghiệp, rồi sẽ đến một ngày họ nhận ra tại sao mình mãi phải làm thuê, tại sao mình không thể tự làm chủ. Vậy trong trường hợp này, các nhà lãnh đạo nên làm gì để vừa tốt cho công ty mà tránh mất nhân tài?
Câu trả lời đơn giản là tại sao bạn không tạo cho nhân viên cơ hội lập nghiệp ngay trong nội bộ công ty? Bằng cách này, một mặt công ty có thêm nhiều cơ hội đầu tư, mặt khác nhân viên có thể tự quản lý một hạng mục mới, bước ngoặt trong sự nghiệp của họ.
Nó không chỉ giữ chân được những người ưu tú trong công ty, mà còn tạo thêm nhiều lợi nhuận và tránh được những cuộc cạnh tranh phức tạp sau này.


Vũ Linh HR

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016

Không phải lương, đây mới chính là 8 lý do khiến nhân viên giỏi nghỉ việc

Với các nhân tài thực sự, lương thưởng chưa phải đích đến cuối cùng mà họ nhắm tới.



Có rất nhiều nguyên nhân khiến một nhân viên đang làm việc bình thường bỗng muốn nghỉ việc. Hai trong số đó chính là chán công việc và không hài lòng với mức lương. Tuy nhiên, với những nhân viên giỏi thì lý do còn đa dạng hơn nhiều và muốn giữ họ lại không đơn thuần chỉ là tăng lương hay các khoản đãi ngộ. Do vậy, nắm được nhu cầu và mong muốn của các nhân tài là điều mà bất kỳ ông chủ nào cũng cần phải làm được.
Chú ý: 8 lý do này có thể cũng là những nguyên nhân khiến một nhân viên bất kỳ muốn nghỉ việc.

1. Bị thiếu tôn trọng và bị đánh giá không đúng năng lực

Rất nhiều ông chủ chỉ quan tâm tới lợi nhuận, sản lượng, sự hài lòng của đối tác và năng suất. Những yếu tố này tất nhiên là quan trọng với một doanh nghiệp thành công nhưng sẽ không thể đạt được mục tiêu này nếu những người trực tiếp làm ra sản phẩm – dịch vụ bị ngược đãi.
Nhân viên cũng là những con người và họ cần được tôn trọng cũng như tạo động lực để làm việc với hiệu suất tốt nhất. Nếu nhân viên không được trả công xứng đáng, không được tạo điều kiện làm việc linh hoạt, không được cung cấp đầy đủ lợi ích hay một môi trường làm việc an toàn, lành mạnh và vui vẻ thì không sớm thì muộn, họ sẽ rời bỏ công việc.

2. Không có cơ hội phát triển nghề nghiệp

Chẳng ai muốn làm mãi một công việc từ ngày này qua ngày khác và cứ như vậy cho hết cuộc đời. Đa phần, ai cũng muốn được học tập, trải nghiệm và có những bước tiến rõ rệt trong nghề nghiệp.
Là ông chủ, bạn phải hiểu rằng bất kỳ nhân viên nào, đặc biệt là nhân viên giỏi cũng mong muốn được đào tạo, huấn luyện để có thể rèn luyện các kỹ năng và kinh nghiệm của mình. Họ muốn được phát triển trong tổ chức mà mình đang làm việc và có thứ gì đó trong tương lai để họ cố gắng đạt được.
Các nhân tài luôn muốn sự đa dạng và hứng thú. Họ muốn được thử thách. Nếu một công việc không có cơ hội phát triển nghề nghiệp thì nhiều khả năng họ sẽ "dứt áo ra đi" để tìm kiếm những "cánh đồng xanh tươi hơn" với những cơ hội tốt hơn.

3. Thiếu công bằng

Không ai muốn làm việc trong một môi trường phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc, phân biệt tuổi tác hay phân biệt đối xử theo bất cứ cách nào. Khi sự bất bình đẳng hoành hành ở môi trường làm việc thì việc giữ được đội ngũ nhân viên là rất khó khăn. Đặc biệt, với các nhân sự giỏi thì đây còn điều không thể chấp nhận được.
Nhân viên phải thay đổi theo sự phát triển của công ty, tuy nhiên, công ty cũng phải cải tiến để đáp ứng nhu cầu của mỗi cá nhân trong tổ chức đó. Đã qua rồi cái thời nhân viên phải chịu đựng những môi trường vẫn còn tồn tại thứ văn hóa đã lỗi thời.

4. Tinh thần làm việc thấp

Khi không tìm thấy niềm vui ở nơi làm việc thì việc nhân viên giỏi bước qua cánh cửa phòng "không bao giờ trở lại" chỉ còn tính bằng phút. Khi ở đó mọi người hoài nghi, cư xử thiếu văn hóa, tìm ra bất cứ lý do gì để ì ạch trong công việc và không có hình phạt nào cho thái độ làm việc thiếu chuyên nghiệp, không có năng suất thì cuối cùng họ cũng phải tính đến chiến lược rút lui.
Xây dựng nhóm là yếu tố quan trọng của bất cứ môi trường làm việc nào. Mỗi cá nhân ở các cấp bậc cần thực sự quan tâm đến nhau và quan tâm đến những mục tiêu chung của doanh nghiệp.
Khi có sự bất đồng trong giao tiếp và cảm giác không thể nói ra được ý kiến của mình thì không ai còn muốn ở lại nơi đó. Một người có năng lực, kinh nghiệm và nhiệt huyết thì càng không thể nán lại lâu hơn nữa.

5. Không được công nhận, không khen thưởng

Đôi khi chỉ cần một cái xoa đầu, một câu cảm ơn hay chỉ là sự công nhận những nỗ lực mà bạn đã bỏ ra mà không cần thưởng vật chất. Đấy là điều mà các nhân sự giỏi luôn muốn được nhận từ vị sếp của mình.
Tinh thần là một chuyện, vật chất lại là một chuyện khác. Nếu cứ mãi khen thưởng bằng lời mà không bao giờ chịu rút hầu bao để động viên anh em thì nhân viên sẽ nghi ngờ sự rộng lượng, hào phóng và tương lai của họ. Họ cũng cần tiền để sống và làm việc.

6. Dập tắt tinh thần làm việc

Sự đổi mới và những ý tưởng là nhịp tim của một tổ chức, vì thế ai cũng nên được trao cho cơ hội để thể hiện sáng kiến của mình. Một số nơi làm việc rất thiếu cởi mở với những thay đổi, ngay cả khi những thay đổi này mang lại sự cải thiện lớn trong năng suất công việc.
Mọi người thường bắt đầu một công việc mới với năng lực tích cực và ý tưởng mới mẻ, nhưng lại nhanh chóng bị cản đường bởi một quản lý thiếu tầm nhìn và nhàm chán. Khi sự nhiệt tình liên tục bị cản trở thì chẳng khác gì bạn đang bảo với nhân viên của mình là "đừng có làm việc nhiều nữa, công ty không cần một người chăm chỉ như bạn vì chúng tôi không muốn phát triển thêm nữa đâu".

7. Động viên nhầm người

Có một câu nói rằng "Những ông chủ giỏi sẽ không thuê những người thông minh hơn họ". Tuy nhiên, trong thời đại hiện nay thì không phải nhà lãnh đạo này cũng xuất sắc hơn nhân viên, đặc biệt là khi xét từng lĩnh vực cụ thể.
Một ông chủ có "cái tôi" quá lớn, luôn cảm thấy bị đe dọa bởi bất cứ ai thông minh và có năng lực hơn mình, đồng thời thiên vị những người thể hiện sự phục tùng nhiều hơn là sáng tạo và cống hiến hết mình trong công việc thì chẳng bao giờ giữ chân được nhân tài cả.

8. Nắm quyền thay vì cho phép tự chủ

Khi cấp bậc quan trọng hơn giá trị của mỗi người và sự đóng góp của họ cho công việc thì bạn không chỉ mất đi những cơ hội tuyệt vời để nghe những ý kiến khôn ngoan, hợp lý mà còn nghiền nát sự tự lực và các kỹ năng đưa ra quyết định quan trọng của nhân viên.
Những lãnh đạo mạnh mẽ nên trao quyền cho nhân viên để họ tự lực và tận tâm vì lợi ích tốt hơn cho doanh nghiệp. Tranh giành quyền lực sẽ tạo ra mâu thuẫn với mục đích chung và làm cho môi trường làm việc càng trở nên căng thẳng.
Nhân viên sẽ bỏ việc khi họ cảm thấy không được tin tưởng và không có cơ hội được thể hiện.


Vũ Linh HR

14 sự khác biệt giữa người bình thường và người thành công

Người thành công luôn hấp dẫn bất kỳ đề tài thảo luận nào. Dưới đây là 14 sự khác biệt giữa người bình thường và người thành công, hãy cùng tham khảo nhé




Người thành công luôn hấp dẫn bất kỳ đề tài thảo luận nào. Thành công luôn là một đề tài thú vị và đầy cảm hứng.

Sự thật là, người thành công cũng bằng xương bằng thịt như chúng ta, họ không được sinh ra bằng một phép màu nào cả. Nhưng có vài điểm khác biệt khiến họ không giống chúng ta. Dưới đây là 14 sự khác biệt giữa người bình thường và người thành công, hãy cùng tham khảo nhé.


1. Người bình thường luôn nói về những người khác, người thành công lại nói về các ý tưởng

Ngồi lê đôi mách là chuyện phổ biến giữa những người bình thường. Họ không thể dừng lại việc nói về người khác, thường là đi kèm với sự ghen tị. Trong khi đó, người thành công thảo luận về những ý tưởng khác nhau để có thể cải thiện cuộc sống của họ.
Kế hoạch, mục tiêu, tham vọng và sự đổi mới là tất cả các vấn đề thảo luận giữa những người thành công.

2. Người bình thường đặt ra những mục tiêu, người thành công lên kế hoạch chi tiết để hành động

Người bình thường đặt ra những mục tiêu nhưng không đi kèm những phương án thực hiện nên nhiều khả năng họ sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu đã đề ra. Người thành công ngoài việc thiết lập các mục tiêu, quan trọng hơn, họ còn lên kế hoạch hành động chi tiết để đạt được mục tiêu cuối cùng.
Trong khi người bình thường chỉ thiết lập mục tiêu, người thành công xác định những hành động cụ thể hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng năm và thói quen này giúp họ có được tầm nhìn rộng.

3. Người bình thường hay phàn nàn về cuộc sống, người thành công luôn thích ứng với mọi hoàn cảnh

Đã bao nhiêu lần bạn nghe ai đó rên rỉ về các vấn đề của họ thay vì chịu trách nhiệm và đối phó với chúng? Họ luôn nghĩ rằng số phận bất công và tàn nhẫn với mình, luôn nhìn thấy nhiều người sống tốt hơn họ, có được nhiều cơ hội và những cánh cửa luôn sẵn sàng để mở ra.
Thực tế là, tất cả mỗi người đều có khó khăn của riêng mình. Dù ở tầng lớp trên cùng hay dưới đáy xã hội cũng đều phải đấu tranh để sinh tồn. Bạn không thể kiểm soát được những trở ngại mà cuộc sống ném vào bạn, nhưng bạn có thể kiểm soát cách bạn phản ứng lại với chúng.
Người bình thường luôn ao ước cuộc sống của họ dễ dàng hơn, người thành công chấp nhận cuộc sống hiện tại và tìm ra con đường để thay đổi nó.

4. Người bình thường trung thành với các chuẩn mực xã hội, người thành công tạo ra quy tắc cho riêng mình

Chuẩn mực xã hội được đặt ra để kiểm soát quần chúng, không phải để giúp đỡ họ. Người bình thường lo sợ sự khác biệt từ mẫu chung và do đó họ thường dừng lại để chờ ý kiến chấp thuận của những người khác. Người thành công không bao giờ làm theo cách này.
Nếu có công thức chung cho sự thành công thì mọi người có thể dễ dàng mô phỏng theo và ai cũng thành công cả. Nhưng trên thực tế, để tạo ra và thử nghiệm quy tắc của riêng mình đòi hỏi bạn phải đi trên một con đường khác biệt. Đó là con đường đầy chông gai và những thăng trầm, nhưng những con đường chưa được khám phá như thế sẽ dẫn đến những kết quả vượt trội.

5. Người bình thường mơ về một tương lai tốt hơn, người thành công tạo ra tương lai đó


Tất cả chúng ta đều muốn sống một cuộc sống tốt hơn: hạnh phúc hơn, tự do hơn, mạnh khỏe hơn, độc lập về tài chính hơn là những mục tiêu mà chúng ta mong muốn nhất. Ở một mức độ nào đó, tất cả mọi người đều cố gắng làm việc để đạt được chúng. Nhưng người bình thường có xu hướng mơ mộng hơn, trong khi người thành công tập trung vào hành động, từng bước thực hiện biến giấc mơ thành hiện thực.

6. Người bình thường để những suy nghĩ tác động đến họ, người thành công tác động lên suy nghĩ của họ

Mọi người đều có những nghi ngờ và những suy nghĩ tiêu cực. Đó là bản chất tự nhiên của con người và cách thức bộ não chúng ta hoạt động. Nhiều người chấp nhận những suy nghĩ này và để chúng sai khiến cuộc sống của mình.
Ngược lại, người thành công chấp nhận sự hiện diện của những suy nghĩ tiêu cực, nhưng họ biết cách bỏ qua nó và nghĩ về những khía cạnh tích cực hơn.

7. Người bình thường thích sự hài lòng tức thời, người thành công lựa chọn phần thưởng dài hạn

Làm gì có ai ghét được khen thưởng? Chúng ta cũng thế. Nhưng có điểm khác biệt trong cách mọi người phản ứng với sự hài lòng. Người bình thường dễ dàng hài lòng, niềm vui của họ được giải quyết tức thời. Tuy nhiên, người thành công nhận ra rằng đôi khi cần phải chờ đợi để trải nghiệm những niềm vui thực sự.
Người bình thường lựa chọn những phần thưởng ngắn hạn (ăn uống, vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi), người thành công sẽ lựa chọn phần thưởng dài hạn như là một động lực để đạt được mục tiêu nào đó.

8. Người bình thường ưa thích sự phong phú, người thành công ưa thích sự giới hạn

Người bình thường thích tích lũy của cải. Họ tin rằng càng nhiều của cải thì họ càng có được hạnh phúc. Họ chỉ mải tập trung vào của cải mà bỏ bê những điều quan trọng khác. Và tiền không phải là hạnh phúc, tiền chỉ là chất xúc tác để bạn tạo nên hạnh phúc mà thôi.
Người bình thường không có khả năng thiết lập các giới hạn, dẫn đến tình trạng thừa mứa và khiến họ xao lãng khỏi những mục tiêu trong cuộc sống.
Một trong những đặc trưng của người thành công là họ có thể hạn chế mọi thứ để tập trung vào những điều thực sự quan trọng. Hạn chế những chi tiêu không cần thiết, hạn chế lãng phí thời gian, hạn chế gặp gỡ những người tiêu cực và cả những suy nghĩ tiêu cực. Bằng cách giới hạn, họ tạo ra một môi trường để bản thân có thể phát triển mạnh.

9. Người bình thường có xu hướng bi quan, người thành công luôn lạc quan

Thái độ của bạn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hành vi của bạn. Chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực của vấn đề là một thói quen xấu nhưng đó lại là cách tiếp cận cuộc sống của rất nhiều người.
Nhiều người than phiền rằng họ chẳng có gì để khiến cuộc sống tốt hơn bởi vì họ luôn bi quan. Ngược lại, người thành công luôn tận dụng triệt để những gì mình có. Họ làm việc để tìm kiếm niềm vui trong sự lạc quan.

10. Người bình thường hay phán xét người khác, người thành công chỉ phán xét chính mình

Phán xét là thói quen xấu xa nhất của con người, nhưng có nhiều người lại rất hay phán xét. Như các bạn có thể đoán, đó chính là những người bình thường. Họ lãng phí thời gian vào việc phán xét người khác, thay vì sử dụng nó vào việc đóng góp giá trị cho nhân loại.
Người thành công cũng phán xét, thậm chí còn phán xét rất giỏi! Nhưng họ phán xét chính mình, phán xét hành vi, hành động và thái độ của họ. Họ sử dụng phán xét như là một công cụ để rút ra kết luận và hoàn thiện bản thân.

11. Người bình thường xem Tivi mỗi ngày, người thành công đọc sách mỗi ngày

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng một người bình thường sẽ sử dụng 9 năm cuộc đời chỉ để xem truyền hình. Nhưng truyền hình hầu như không làm tăng thêm bất kỳ giá trị nào cho cuộc sống của bạn ngoài những tin tức nóng, những chương trình thực tế và những câu chuyện hư cấu, đó là chưa kể đến các mẩu tin quảng cáo những thứ không cần thiết.
Sách là kho tàng tri thức của nhân loại. Đọc sách sẽ rất có ích cho cuộc sống của bạn - nó mở ra những chân trời mới và dạy bạn rất nhiều điều. Bất kể vấn đề của bạn là gì, luôn có ít nhất một cuốn sách nói về nó. Người thành công thích đọc sách hơn là cứ nhìn chằm chằm vào màn ảnh.

12. Người bình thường mua sắm của cải, người thành công mua giá trị

Chúng ta đang đề cập đến vấn đề chi tiêu của hai nhóm người này.
Khuyến mãi đặc biệt, giảm giá, tiền thưởng... đều được thiết kế để đánh lừa người bình thường mua những thứ thực sự không cần thiết với họ. Như đã nói ở trên, họ sẽ có cảm giác hài lòng tức thời nhưng cảm giác đó sẽ nhanh chóng mất đi khi họ có thêm những món đồ khác.
Người thành công chuyển hóa tiền thành những giá trị, không nhất thiết phải là những thứ vật chất để thỏa mãn nhu cầu. Giá trị đó có thể là những kinh nghiệm, những cơ hội mới, những khoản đầu tư dài hạn hay những cuộc phiêu lưu.

13. Người bình thường muốn mình tốt hơn so với người khác, người thành công muốn tốt hơn so với chính mình


Thường thì mọi người hay so sánh mình với những người khác. Kết quả là, họ đánh mất lòng tự trọng và cả sự tự tin. Họ đưa ra nguyện vọng dựa trên những thành tựu của người khác. Ngược lại, người thành công muốn mình tốt hơn mỗi ngày. Hơn thế nữa, họ muốn mình giống như những người khác.

14. Người bình thường không thể nói không, người thành công lại thường hay nói không

"Không" là một trong những từ có sức mạnh lớn nhất mà bạn có thể sử dụng để thúc đẩy sự thành công. Tuy nhiên, có rất nhiều người đã không biết cách sử dụng. Họ nói "có" với bất cứ tình huống nào. Kết quả là đến cuối cùng họ lại nói "không" với những điều quan trọng nhất.
Trong ngắn hạn, nói "không" có vẻ không hay hoặc không dễ chịu gì. Nhưng về lâu dài, thà bạn nói "không" ngay từ đầu còn hơn phải hối tiếc với những hậu quả tiếp theo khi nói "có".
Bạn nói "không" với thói quen ăn uống không lành mạnh, hút thuốc và lối sống ít vận động để có thể nói "có" với cuộc sống khỏe mạnh hơn.
Người thành công nói "không" mỗi ngày, trong khi người bình thường lại đánh giá thấp sức mạnh của hai từ đơn giản có/không ấy.
Bạn là người bình thường hay người thành công?

Vũ Linh HR


Chuyện Kiến và Sư tử: Ai đã, sẽ là ông chủ nhất định phải đọc bài học quản trị sau đây

Câu chuyện về chú nhân viên Kiến nhỏ bé và ông chủ Sư Tử. Chúng tôi xin được đăng tải toàn bộ câu chuyện này để bạn đọc, đặc biệt là những nhà quản lý có thể rút ra cho mình những giá trị riêng:


Mỗi ngày Kiến đi làm rất sớm và bắt tay ngay vào làm việc. Kiến làm việc rất giỏi và luôn luôn vui vẻ. Ông chủ của chú, là con Sư Tử, rất ngạc nhiên khi thấy Kiến làm việc mà không cần sự giám sát. Sư Tử chợt nghĩ rằng nếu được giám sát thì chắc chắn Kiến sẽ làm việc có hiệu quả hơn.
Thế là Sư Tử thuê Gián về làm giám sát. Sau khi được thuê, quyết định đầu tiên của Gián là gắn một cái đồng hồ treo tường để theo dõi việc đi làm đúng giờ. Gián cũng cần một thư ký để thay nó viết ghi chú hay làm báo cáo, và thế là nó thuê một con Nhện - để quản lý báo cáo và nhận các cuộc gọi.
Sư Tử rất hài lòng về những báo cáo của Gián và yêu cầu Gián làm thêm những biểu đồ theo dõi sản lượng và phân tích xu hướng thị trường, để nó có thể trình bày tại cuộc họp Ban quản trị. Vậy là Gián mua một cái laptop mới cùng với một máy in lazer, rồi thuê một con Ruồi làm quản lý bộ phận IT.
Nhắc tới Kiến, lúc trước làm việc rất chăm và thoải mái, giờ Kiến rất bực mình vì những công việc giấy tờ và những cuộc họp vô bổ làm mất hết thời gian của nó!
Trong khi đó, ông chủ Sư Tử đi đến kết luận là cần phải cử một người làm quản lý nguyên cả bộ phận mà Kiến đang làm việc. Chức vụ ông chủ nhỏ này được giao cho một con Ve Sầu. Quyết định đầu tiên của Ve Sầu là mua ngay một cái thảm đẹp và một cái ghế thật êm cho phòng làm việc của nó.
“Ông chủ” Ve Sầu này cũng cần thêm một máy vi tính và một thư ký riêng, đó là thư ký cũ của nó, người đã giúp nó chuẩn bị Kế Hoạch Tối Ưu Hoá Chiến Lược Kiểm Soát Công Việc & Ngân Quỹ. Văn phòng nơi Kiến làm việc trở thành một nơi buồn bã, chẳng còn ai cười đùa và mọi người trở nên lo lắng khó chịu.
Thế là Ve Sầu thuyết phục ông chủ lớn, là con Sư Tử, về sự cần thiết phải làm một cuộc nghiên cứu kỹ lưỡng về môi trường làm việc tại đây. Sau khi xem lại các báo cáo tài chính trong văn phòng nơi Kiến làm, Sư Tử phát hiện ra năng suất đã giảm sút hơn trước đây rất nhiều.
Thế là Sư Tử thuê một con Cú, đó là một cố vấn nổi tiếng và có uy tín, để tiến hành điều tra và đưa ra các giải pháp cần thiết. Cú bỏ ra 3 tháng để nghiên cứu về văn phòng và viết một báo cáo khổng lồ lên đến vài quyển và đi đến kết luận: “Văn phòng này có quá nhiều nhân viên”.
Hãy đoán xem ông chủ Sư Tử sa thải ai đầu tiên? Và nếu là ông chủ Sư Tử, lựa chọn của bạn là gì?
Con kiến bị sa thải vì nó “thiếu động cơ làm việc và có thái độ bi quan trong công việc”. Kết quả thật bất ngờ phải không!
Vậy bài học rút ra từ câu chuyện kể trên là gì?
Sai lầm có lẽ xuất phát từ thời điểm Sư Tử quyết định thuê thêm giám sát với hy vọng Kiến sẽ làm việc năng suất hơn nữa. Tuy nhiên đáng tiếc Sư Tử đã nhầm.
Đứng trên cương vị của một nhân viên, bất kỳ ai cũng mong muốn có môi trường làm việc thoải mái, tự do và được tự chủ nhiều nhất có thể. Không ai muốn mình luôn bị giám sát, thúc ép liên tục một cách thái quá.
Bằng chứng là sau khi các "cấp trên" gồm Gián, Nhện rồi Ve Sầu… lần lượt được bổ nhiệm, sự vui vẻ và thoải mái trong công việc của Kiến trước đây đã biến mất. Thay vào đó là cảm giác lo lắng, khó chịu. Điều này đương nhiên gây ra hậu quả trực tiếp là khiến năng suất lao động của Kiến giảm sút.
Chưa kể, việc bộ máy quản lý ngày một trở nên cồng kềnh, phức tạp khi có tới 8 quản lý mà chỉ có duy nhất mình Kiến trực tiếp sản xuất. Mọi công đoạn đều chậm lại và gián tiếp ảnh hưởng tới năng suất lao động.
Là một nhà quản lý, bạn luôn cần quan tâm tới việc phải đơn giản đến mức tối thiểu bộ máy quản lý. Bài toán đặt ra bộ máy quản lý đơn giản nhưng kết quả làm việc phải đạt được ở mức cao nhất.
Rốt cục, mục tiêu cuối cùng đối với bất kỳ công ty vẫn là doanh thu và lợi nhuận và không ai khác chính những chú Kiến là nhân tố chủ chốt của vấn đề.
Chính vì vậy, kinh nghiệm là cần phải tạo ra môi trường tốt nhất cho những chú Kiến, giúp chúng cảm thấy thoải mái, vui vẻ từ đó tạo ra năng suất làm việc hiệu quả nhất.
Vậy nếu đã lỡ là nhà lãnh đạo giống Sư Tử kể trên, trong trường hợp này bạn có sa thải Kiến không và giải pháp cứu công ty thoát khỏi tình trạng này là gì?

Vũ Linh HR


Thứ Ba, 12 tháng 7, 2016

5 con khỉ và 1 nải chuối: Bài học về những nhà lãnh đạo 'vùi dập' và nhân viên 'mù quáng'

Câu chuyện về 5 chú khỉ và 1 nải chuối dưới đây tưởng chừng như đơn giản nhưng nó lại ẩn chứa những bài học, hiện tượng xảy ra trong cuộc sống đôi khi khiến chúng ta phải giật mình.
Chuyện kể rằng, có 5 con khỉ bị nhốt trong một căn phòng. Giữa phòng là một cái thang, trên đỉnh thang là nải chuối. Mỗi khi có một con khỉ định trèo lên thang, người ta lại phun nước lạnh vào những con còn lại, làm chúng rất khổ sở.
Sau một thời gian, mỗi khi có một con khỉ định trèo lên thang, những con còn lại, vì không muốn bị phun nước, tóm lấy con kia và đánh cho một trận.
Dần dần, không có con nào trong số 5 con khỉ có ý định trèo lên thang nữa. Người ta bèn bắt ra 1 con và thay bằng con mới. Nhìn thấy nải chuối và cái thang, con khỉ mới thắc mắc không hiểu tại sao các con kia không trèo, và thử leo lên. Tất nhiên bốn con kia xông vào đánh cho một trận. Con khỉ mới không hiểu vì sao bị đánh, tuy nhiên không dám trèo nữa.
Rồi một con nữa trong số 5 con đầu được thay thế. Chú lính mới lại định trèo, và bị cả hội đánh tới tấp. Con khỉ vừa vào trước đó cũng tham gia đánh, đơn giản vì thấy bọn kia làm vậy, còn bản thân vẫn không hiểu vì lí do gì.
Lần lượt 5 chú khỉ ban đầu được thay ra hết.
Bây giờ, 5 con khỉ mới ở trong phòng. Không có con nào từng bị dội nước. Nhưng cũng không con nào dám trèo lên thang. Và cả 5 sẵn sàng đánh nhừ tử bất kỳ con nào khác có ý định đó, mà không hiểu vì lí do gì.

Có vẻ như trong trường hợp này, một thói quen mới đã được hình thành và cả 5 con khỉ đều tiếp nhận thói quen này như một điều mặc định. Dường như những chú khỉ - tức đối tượng "tiếp nhận" chỉ là người "kế thừa" và chấp nhận sự việc theo kiểu "NÓ ĐÚNG LÀ NHƯ THẾ".
Trong cuộc sống cũng có không ít những chú khỉ như vậy. Một khi từng gặp phải thất bại hoặc khó khăn, những người dạng này thường có xu hướng không muốn nỗ lực nữa, nản chí và mặc định rằng mọi chuyện phía trước đều sẽ diễn biến xấu.
Ngoài ra, câu chuyện này còn cho thấy một thực tế phũ phàng khác trong cuộc sống và môi trường làm việc hiện nay.
Mặc dù các nhà quản lý luôn hô hào cổ vũ về tinh thần phải sáng tạo, đổi mới, hợp tác. Tuy nhiên, những “chú khỉ” trong văn phòng vẫn ngầm bị dội những gáo “nước lạnh” bất cứ khi nào ai đó cố gắng làm những điều mới mẻ. Hoặc, tồi tệ hơn, một số nhân viên thậm chí buộc phải kìm nén sự sáng tạo.
Điều này tạo thành một thói quen xấu, khiến ngay cả những nhân viên sau này dù không bị "dội nước lạnh" nhưng họ vẫn sợ hãi, chấp nhận thực tế và ngại thay đổi vì nghĩ rằng mọi chuyện cũng không thể tốt hơn được.
Ngoài ra, một khi có người muốn nỗ lực lấy nải chuối, tất cả những đối tượng còn lại sẽ hiệp lực cho "chú khỉ" này "ăn đòn". Đứng trên cương vị một nhà quản lý, có thể trong trường hợp này họ muốn các nhân viên của mình tự giám sát nhau trong hệ thống, tự hình thành quy tắc và không ai có thể vượt qua khuôn khổ đó.
Ngay cả trong cuộc sống hay công việc, đôi khi một ý kiến, một lời phát biểu, một đề xuất, một hành vi hay phong cách sống của ai đó lại thường bị rất nhiều người phản đối, bác bỏ, thậm chí là vùi dập không thương tiếc. Trong khi thực tế là họ cũng chẳng biết mình đang làm gì, đơn giản là thấy số đông và quyết định làm theo một cách mù quáng.
Liệu bạn có đang phải là một "chú khỉ" như vậy trong cuộc sống và cả công việc hay không?

Vũ Linh HR

Lười biếng – Phong cách quản trị "lùi 1 bước để quan sát" mà bất kỳ lãnh đạo nào cũng nên học theo

"Lười biếng" là cách quản trị lùi lại một bước, tinh giản đội ngũ nhân viên và trở thành người quan sát thay vì trực tiếp tham gia làm việc tại doanh nghiệp của chính mình.
Nhìn thoáng qua, tôi thừa nhận mình là một CEO “kinh khủng”. Tôi rất ít khi tới văn phòng, chỉ gặp nhân viên 2 lần một tuần và đặc biệt ghét phát biểu, họp, đưa ra các tuyên bố về tầm nhìn, sứ mệnh của công ty và tất cả những công việc vặt vãnh khác của các CEO mà báo chí vẫn hay nhắc tới.
Cuối cùng, điều tồi tệ nhất là tôi hiếm khi bắt tay vào làm việc trước buổi chiều.
Với những đặc điểm ấy, tôi thật sự là một vị sếp lười biếng. Tôi cá là bạn cũng đang nghĩ như vậy phải không? Tôi thừa nhận đúng là như vậy.
Dẫu vậy, bằng một cách nào đó tôi vẫn mở thành công một nhóm công ty với tổng cộng hơn 200 nhân viên và đầu tư vào hơn 30 công ty khác nữa. Tất cả mọi việc đều được thực hiện một cách trơn chu bởi một người hiếm khi ra khỏi giường trước buổi chiều.
2 năm trước, tôi luôn nghĩ sự lười biếng là điểm yếu lớn nhất của mình. Chứng kiến những người bạn doanh nhân làm việc không mệt mỏi trong khi tôi chỉ việc thuê nhân viên để làm những công việc mà mình ghét bỏ. Tôi cảm thấy tội lỗi vì điều đó. Tuy nhiên sau vài năm, tôi nhận ra sự lười biếng lại chính là một lợi thế to lớn.
Bằng việc tập hợp hàng loạt ý tưởng từ những người thông minh hơn mình, tôi đã phát triển nên một hệ thống gọi là “Lazy Leadership” (Phong cách lãnh đạo lười biếng) – dùng để điều hành các công ty.
Cần phải nhớ rằng, "Lazy Leadership" không phải là ngồi trên võng cả ngày hay làm việc 4 tiếng mỗi tuần từ bãi biển Costa Rica xinh đẹp nào đó. Đây là cách quản trị lùi lại một bước, tinh giản đội ngũ nhân viên và trở thành người quan sát thay vì trực tiếp tham gia làm việc tại doanh nghiệp của chính mình.
Vậy “Lazy Leadership” là gì?
Tinh thần doanh nhân chỉ là một từ mỹ miều dùng để chỉ người được giao phó, ủy quyền. Đó là một quá trình diễn ra liên tục để kéo bản thân từ người luôn kèm cặp từng bước, từng bước một sau đó trao quyền cho nhân viên để làm những thứ mà họ giỏi nhất.
Đầu tiên, hãy loại bỏ người trung gian và bắt đầu làm việc cho chính bản thân mình. Sau đó, thuê một người khác làm trong khi bạn xử lý những công việc ở cấp cao hơn. Dần dần, bạn nhận ra rằng mình có thể thuê nhiều người hơn, để làm nhiều việc hơn nữa.
Sau đó, những nhà quản lý có thể chỉ quan sát và kiểm tra những người này. Tiếp đến, các giám đốc điều hành sẽ quản lý một nhóm nhân viên lớn hơn. Cuối cùng, nếu muốn, bạn có thể thuê một CEO để điều hành toàn bộ hoạt động công ty.
Điểm tuyệt vời nhất của "Lazy Leadership" có lẽ là việc bạn sẽ trở thành người ủy thác của công ty theo đúng nghĩa đen. Tuy nhiên, nói thì bao giờ cũng dễ hơn làm…
Lần đầu tiên khi cố gắng để nhân viên tự xoay sở, tôi cảm thấy rất kinh khủng. Công ty giống như một chiếc xe không người lái, chậm chạp di chuyển tới một hố sâu mà chỉ đến những giây cấp bách cuối cùng, tôi là người duy nhất kéo nó lùi lại.
Điều này khiến tôi luôn có cảm giác như mọi thứ đang nổ tung nếu không có tôi và tôi thường ước mình có thể phân thân để giải quyết mọi chuyện.
Tuy nhiên sau 2 năm để nhân viên tự do và đưa cho họ một vài chỉ dẫn và cách thức tiến hành, công ty của tôi đã đạt tiến bộ vượt bậc, thậm chí vượt xa khỏi những gì tôi có thể tưởng tượng.
Cuối cùng khi rời khỏi vị trí lãnh đạo, tôi nhận ra rằng nhân viên của mình có đủ khả năng để tiếp tục giữ cho con tàu đi đúng hướng và thậm chí tiến xa hơn những gì tôi có thể làm.
Điều tuyệt vời nhất là tôi trao quyền cho một nhóm những người giỏi nhất để làm những việc họ giỏi nhất trong lúc tôi chỉ tập trung vào việc xây dựng cỗ máy vận hành.
Những rào cản
Môt vài doanh nhân không bao giờ phá vỡ phong cách cũ và gặp không ít khó khăn trong quá trình vận hành. Họ cố gắng tuyển người và sau đó nếu không làm được việc như mong đợi, những lãnh đạo kiểu này sẽ tự nguyện tham gia và trực tiếp giải quyết công việc.
Họ luôn tâm niệm rằng người duy nhất có thể làm mọi thứ trơn chu là chính bản thân họ. Rằng nếu không trở thành mano-manager (nhà quản lý luôn theo đuổi sự toàn mỹ trong tất cả mọi việc, luôn cầu toàn và chú ý đến từng chi tiết nhỏ) thì công ty của họ sẽ rơi vào khủng hoảng.
Bản thân tôi biết rất nhiều người như vậy và tôi cho rằng họ thật khốn khổ. Nếu đang là một lãnh đạo, doanh nhân, hãy hỏi chính bản thân mình xem: Công ty sẽ ra sao nếu bạn nghỉ trong 6 tháng?
Nếu câu trả lời là công ty có thể gặp khủng hoảng, vai trò của bạn ở công ty rất quan trọng thì bạn chỉ đơn giản đang là một nhân viên bình thường chứ không phải người chủ sở hữu công ty.
Đó là dấu hiệu cho thấy đã tới lúc bạn nên tính tới việc xây dựng lại cỗ máy điều hành hoạt động và trao quyền cho nhân viên của mình nhiều hơn.
Tác giả sách nổi tiếng Michael Gerber từng nói: "Hãy nhớ một điều rằng, nếu công ty phụ thuộc vào một mình bạn, bạn không phải là ông chủ mà chỉ đơn giản đang có một công việc mà thôi. Và tôi cho đó là công việc tồi tệ nhất trên thế giới bởi bạn phải làm việc một cách điên cuồng".

Vũ Linh HR