Với các nhân tài thực sự, lương thưởng chưa phải đích đến cuối cùng mà họ nhắm tới.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến một nhân viên đang làm việc bình thường bỗng muốn nghỉ việc. Hai trong số đó chính là chán công việc và không hài lòng với mức lương. Tuy nhiên, với những nhân viên giỏi thì lý do còn đa dạng hơn nhiều và muốn giữ họ lại không đơn thuần chỉ là tăng lương hay các khoản đãi ngộ. Do vậy, nắm được nhu cầu và mong muốn của các nhân tài là điều mà bất kỳ ông chủ nào cũng cần phải làm được.
Chú ý: 8 lý do này có thể cũng là những nguyên nhân khiến một nhân viên bất kỳ muốn nghỉ việc.
1. Bị thiếu tôn trọng và bị đánh giá không đúng năng lực
Rất nhiều ông chủ chỉ quan tâm tới lợi nhuận, sản lượng, sự hài lòng của đối tác và năng suất. Những yếu tố này tất nhiên là quan trọng với một doanh nghiệp thành công nhưng sẽ không thể đạt được mục tiêu này nếu những người trực tiếp làm ra sản phẩm – dịch vụ bị ngược đãi.
Nhân viên cũng là những con người và họ cần được tôn trọng cũng như tạo động lực để làm việc với hiệu suất tốt nhất. Nếu nhân viên không được trả công xứng đáng, không được tạo điều kiện làm việc linh hoạt, không được cung cấp đầy đủ lợi ích hay một môi trường làm việc an toàn, lành mạnh và vui vẻ thì không sớm thì muộn, họ sẽ rời bỏ công việc.
2. Không có cơ hội phát triển nghề nghiệp
Chẳng ai muốn làm mãi một công việc từ ngày này qua ngày khác và cứ như vậy cho hết cuộc đời. Đa phần, ai cũng muốn được học tập, trải nghiệm và có những bước tiến rõ rệt trong nghề nghiệp.
Là ông chủ, bạn phải hiểu rằng bất kỳ nhân viên nào, đặc biệt là nhân viên giỏi cũng mong muốn được đào tạo, huấn luyện để có thể rèn luyện các kỹ năng và kinh nghiệm của mình. Họ muốn được phát triển trong tổ chức mà mình đang làm việc và có thứ gì đó trong tương lai để họ cố gắng đạt được.
Các nhân tài luôn muốn sự đa dạng và hứng thú. Họ muốn được thử thách. Nếu một công việc không có cơ hội phát triển nghề nghiệp thì nhiều khả năng họ sẽ "dứt áo ra đi" để tìm kiếm những "cánh đồng xanh tươi hơn" với những cơ hội tốt hơn.
3. Thiếu công bằng
Không ai muốn làm việc trong một môi trường phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc, phân biệt tuổi tác hay phân biệt đối xử theo bất cứ cách nào. Khi sự bất bình đẳng hoành hành ở môi trường làm việc thì việc giữ được đội ngũ nhân viên là rất khó khăn. Đặc biệt, với các nhân sự giỏi thì đây còn điều không thể chấp nhận được.
Nhân viên phải thay đổi theo sự phát triển của công ty, tuy nhiên, công ty cũng phải cải tiến để đáp ứng nhu cầu của mỗi cá nhân trong tổ chức đó. Đã qua rồi cái thời nhân viên phải chịu đựng những môi trường vẫn còn tồn tại thứ văn hóa đã lỗi thời.
4. Tinh thần làm việc thấp
Khi không tìm thấy niềm vui ở nơi làm việc thì việc nhân viên giỏi bước qua cánh cửa phòng "không bao giờ trở lại" chỉ còn tính bằng phút. Khi ở đó mọi người hoài nghi, cư xử thiếu văn hóa, tìm ra bất cứ lý do gì để ì ạch trong công việc và không có hình phạt nào cho thái độ làm việc thiếu chuyên nghiệp, không có năng suất thì cuối cùng họ cũng phải tính đến chiến lược rút lui.
Xây dựng nhóm là yếu tố quan trọng của bất cứ môi trường làm việc nào. Mỗi cá nhân ở các cấp bậc cần thực sự quan tâm đến nhau và quan tâm đến những mục tiêu chung của doanh nghiệp.
Khi có sự bất đồng trong giao tiếp và cảm giác không thể nói ra được ý kiến của mình thì không ai còn muốn ở lại nơi đó. Một người có năng lực, kinh nghiệm và nhiệt huyết thì càng không thể nán lại lâu hơn nữa.
5. Không được công nhận, không khen thưởng
Đôi khi chỉ cần một cái xoa đầu, một câu cảm ơn hay chỉ là sự công nhận những nỗ lực mà bạn đã bỏ ra mà không cần thưởng vật chất. Đấy là điều mà các nhân sự giỏi luôn muốn được nhận từ vị sếp của mình.
Tinh thần là một chuyện, vật chất lại là một chuyện khác. Nếu cứ mãi khen thưởng bằng lời mà không bao giờ chịu rút hầu bao để động viên anh em thì nhân viên sẽ nghi ngờ sự rộng lượng, hào phóng và tương lai của họ. Họ cũng cần tiền để sống và làm việc.
6. Dập tắt tinh thần làm việc
Sự đổi mới và những ý tưởng là nhịp tim của một tổ chức, vì thế ai cũng nên được trao cho cơ hội để thể hiện sáng kiến của mình. Một số nơi làm việc rất thiếu cởi mở với những thay đổi, ngay cả khi những thay đổi này mang lại sự cải thiện lớn trong năng suất công việc.
Mọi người thường bắt đầu một công việc mới với năng lực tích cực và ý tưởng mới mẻ, nhưng lại nhanh chóng bị cản đường bởi một quản lý thiếu tầm nhìn và nhàm chán. Khi sự nhiệt tình liên tục bị cản trở thì chẳng khác gì bạn đang bảo với nhân viên của mình là "đừng có làm việc nhiều nữa, công ty không cần một người chăm chỉ như bạn vì chúng tôi không muốn phát triển thêm nữa đâu".
7. Động viên nhầm người
Có một câu nói rằng "Những ông chủ giỏi sẽ không thuê những người thông minh hơn họ". Tuy nhiên, trong thời đại hiện nay thì không phải nhà lãnh đạo này cũng xuất sắc hơn nhân viên, đặc biệt là khi xét từng lĩnh vực cụ thể.
Một ông chủ có "cái tôi" quá lớn, luôn cảm thấy bị đe dọa bởi bất cứ ai thông minh và có năng lực hơn mình, đồng thời thiên vị những người thể hiện sự phục tùng nhiều hơn là sáng tạo và cống hiến hết mình trong công việc thì chẳng bao giờ giữ chân được nhân tài cả.
8. Nắm quyền thay vì cho phép tự chủ
Khi cấp bậc quan trọng hơn giá trị của mỗi người và sự đóng góp của họ cho công việc thì bạn không chỉ mất đi những cơ hội tuyệt vời để nghe những ý kiến khôn ngoan, hợp lý mà còn nghiền nát sự tự lực và các kỹ năng đưa ra quyết định quan trọng của nhân viên.
Những lãnh đạo mạnh mẽ nên trao quyền cho nhân viên để họ tự lực và tận tâm vì lợi ích tốt hơn cho doanh nghiệp. Tranh giành quyền lực sẽ tạo ra mâu thuẫn với mục đích chung và làm cho môi trường làm việc càng trở nên căng thẳng.
Nhân viên sẽ bỏ việc khi họ cảm thấy không được tin tưởng và không có cơ hội được thể hiện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét