Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2016

6 kiểu sếp khiến bất kỳ nhân viên giỏi nào cũng muốn “bỏ chạy”

Một trong những lý do khiến nhân viên giỏi "dứt áo ra đi" là do sếp!




Theo một nghiên cứu của Gallup, nhiều nhân viên có xu hưởng bỏ việc mà nguyên nhân xuất phát là do sếp. Trong một nghiên cứu khác có sự tham gia của 7.200 người trưởng thành thì thiết lập mục tiêu và quản lý các ưu tiên là hai trong số các yếu tố quan trọng nhất đối với nhân viên khiến họ cảm thấy hài lòng với quản lý.
Sẽ là điều sửng sốt nếu như bạn nghe người quản lý hoặc ông chủ phàn nàn rằng những nhân viên xuất sắc nhất của họ đang dần "dứt áo ra đi". Vấn đề là họ không rời bỏ công việc - họ rời bỏ ông chủ. Không một nhân viên nào muốn ở trong một môi trường khắc nghiệt và căng thẳng - một môi trường chẳng hề có chỗ cho các cá nhân vươn lên để đạt được mục tiêu sự nghiệp của mình. Để ngăn chặn cuộc "khủng hoảng nội bộ" không mong muốn này, điều quan trọng là các nhà lãnh đạo cần phải nhận ra những mong muốn của nhân viên và tạo điều kiện để họ đạt được những mong muốn đó.
Dưới đây là 6 kiểu ông chủ có khả năng khiến nhân viên "bỏ chạy" sớm nhất.

1. Sếp không tin tưởng nhân viên

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà lòng tin được xem như là một loại hàng hóa khan hiếm. Tuy nhiên, trong vai trò của một ông chủ, khi bạn thuê một ai đó về làm việc cho mình nghĩa là bạn đã đặt một niềm tin nhất định vào khả năng của họ. Chẳng có lý do gì để bạn luôn lo lắng về những điều không bao giờ hoặc có vô cùng ít khả năng xảy ra cả.
Khi một ông chủ liên tục đặt câu hỏi tỏ vẻ nghi ngờ cho mỗi hành động hoặc quyết định mà cấp dưới đưa ra thì nhân viên sẽ trở nên rất thất vọng. Hãy nhớ rằng, nhân viên cần có cơ hội để chứng minh giá trị của họ.

2. Sếp không bao giờ khen thưởng cho các thành tích của nhân viên

Nhân viên xuất sắc - họ không bao giờ mong đợi một cơ hội thăng tiến ngay lập tức sau khi làm được điều gì đó tốt hoặc giúp công ty đạt được một phần mục tiêu trong năm. Họ biết cần thời gian và phải qua một quá trình đánh giá. Tuy nhiên, chẳng có gì sai khi họ cần quản lý của mình dành cho một cái vỗ nhẹ sau lưng để động viên hay một lời khen ngợi. Chẳng có nhân viên nào không thích khi sếp giơ ngón tay cái lên ra hiệu "ok" cho nỗ lực làm việc không ngừng cả.
Người quản lý cần phải hiểu rằng khi nhân viên đã cố gắng làm việc để đáp ứng thời hạn và đạt được mục tiêu thì họ cần được thưởng cho những gì đã bỏ ra. Họ sẽ không bao giờ rời khỏi công ty và luôn trung thành nếu được động viên đúng lúc.

3. Sếp không trung thực

Nhân viên luôn tôn trọng và đánh giá cao những người quản lý tin tưởng và trung thực với họ. Họ không cần một lời nói hoa mỹ rằng công ty đang phát triển trong khi doanh thu hàng tháng sụt giảm và hàng hóa không bán được; họ không cần những lời ngon ngọt để làm việc hết mình trong khi không biết tương lai của họ liệu có thể nghĩ tới các cơ hội phát triển tại tổ chức hay không? Khi những lời nói của cấp trên trở nên thiếu trung thực thì chẳng có nhân viên nào muốn trung thành với họ nữa.
Hãy trở thành một ông chủ quyết đoán và vững chắc cả trong lời nói lẫn hành động để khiến nhân viên tâm phục, khẩu phục.

4. Sếp khó tính

Nhân viên có bao nhiêu cơ hội nói lên suy nghĩ và ý tưởng nếu làm việc với một người quản lý khó tính? Sếp luôn tỏ ra là một người quản lý "biết tuốt" mọi việc và làm ngơ trước bất kỳ đề xuất hay quan điểm của cấp dưới? Liệu rằng có nhân viên giỏi nào muốn bám trụ tại một nơi họ không thể được lên tiếng hay không?
Giống với các ông chủ, nhân viên, đặc biệt là các nhân viên xuất sắc cũng luôn căng tràn ý tưởng mà chỉ cần một vị sếp có tài lãnh đạo là đã có thể khai phá được khả năng sáng tạo của những con người này.

5. Sếp bắt nhân viên làm việc quá sức

Theo một nghiên cứu, làm việc quá 50 tiếng/tuần sẽ khiến năng suất và hiệu quả công việc bị giảm sút. Không một ai muốn bị rơi vào hội chứng "Burnt Out" (hội chứng "cháy sáng" do làm việc quá sức khiến cơ thể mệt mỏi, mất động lực, tinh thần làm việc và có thể dẫn tới nhiều triệu chứng tâm lý nghiêm trọng khác) cả. Thay vì cố gắng giao hàng loạt công việc cho nhân viên thì hãy đánh giá và tôn trọng những nỗ lực của họ.
Ngay cả khi đó là những nhân viên tài năng và tháo vát trong mọi công việc được giao thì cũng khó có ai có thể duy trì được nhịp độ công việc khi phải làm việc quá sức. Tăng khối lượng công việc có nghĩa là các ông chủ cũng cần chấp nhận việc tăng thưởng, tăng các chính sách động viên và đãi ngộ cho nhân viên. Ngược lại, nếu vẫn phải làm việc cho một ông chủ chỉ thích biến nhân viên thành nô lệ thì với họ, "đầu quân" cho một công ty khác là lựa chọn không cần cân nhắc.

6. Sếp tuyển và thăng chức sai người

Nói một cách đúng hơn là sếp thiên vị cho một nhân viên nào đó trong khi người này chẳng hề có đóng góp hay năng lực nào thực sự được phát huy cho quá trình phát triển của công ty cả.
Không có gì khủng khiếp hơn khi một nhân viên đầy tài năng lại phải làm việc dưới sự lãnh đạo của một ông chủ ngu dốt. Bởi lẽ, họ sẽ không thể nào phát huy được khả năng của mình khi những cống hiến chẳng bao giờ được ghi nhận hay bị đặt nhầm chỗ.
Do vậy, để tuyển dụng được nhân tài, các ông chủ cần phải trung thành với quy tắc: tuyển đúng người và giao đúng việc. Nếu vẫn tỏ ra thiên vị và khen thưởng sai người thì chẳng khác nào bạn đang "đuổi" nhân viên giỏi ra khỏi tổ chức.


Vũ Linh HR

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét