FPT được biết đến như một tổ chức tập hợp được nhiều tài năng trong lĩnh vực công nghệ cũng như trong nhiều lĩnh vực khác. Trong suốt hơn hai mươi năm hình thành và phát triển, nhiều thế hệ tài năng của đất nước đã gia nhập vào đại gia đình FPT và có những cống hiến quan trọng tới sự thành công của tập đoàn. Điểm khác biệt của FPT so với nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác đó là luôn xây dựng và thực hiện những chương trình tìm kiếm tài năng cả trong và ngoài công ty.
1. Trung tâm bồi dưỡng tài năng công nghệ trẻ FPT (FYT)
Được thành lập vào ngày 25/12/1999 với ý tưởng của chủ tịch Trương Gia Bình sau những kết quả ấn tượng của các đoàn học sinh Việt Nam tham dự Olympic Quốc tế. Trung tâm bồi dưỡng tài năng công nghệ trẻ FPT (FYT) là một tổ chức đào tạo đặc biệt tập hợp những tài năng công nghệ trẻ của đất nước với mục tiêu hỗ trợ và bồi dưỡng các tài năng phát triển toàn diện, giúp các tài năng trở thành người thành đạt trong cộng đồng, góp phần hưng thịnh quốc gia.
Đối tượng lựa chọn vào trung tâm FYT là những sinh viên có thành tích đặc biệt gồm sinh viên giỏi, thu khoa, á khoa, sinh viên đạt giải quốc gia, sinh viên đạt giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế. Mỗi năm trung tâm chỉ tuyển từ 25 – 30 thành viên vì vậy để trở thành thành viên của FYT, các sinh viên sẽ trải qua nhiều vòng thi căng thẳng và kịch tính.
Mỗi thành viên của FYT được sinh hoạt tại trung tâm trong hai năm với các hoạt động đa dạng như gặp gỡ chính khách, doanh nhân, nhà khoa học, hoạt động teambuilding, rèn luyện và phát triển kỹ năng, tham gia thực tập và làm việc trực tiếp tại các bộ phận của FYT. Điều quan trọng hơn, trung tâm là nơi kết nối các bạn trẻ tài năng, tạo ra một môi trường liên kết và hỗ trợ lẫn nhau nhằm giúp mỗi cá nhân hoàn thiện bản thân mình. Ngoài ra mỗi thành viên FYT sẽ được nhận một suất học bổng trị giá 15 triệu đồng.
Thông tin về thành viên FYT:
- Tổng số thành viên: 275
+ Giải quốc tế: 121 thành viên
+ Giải quốc gia: 225 thành viên
+ Giải công nghệ: 15 thành viên
+ Gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam: 03 thành viên
+ Giải quả cầu vàng: 09 thành viên
- Tổng số thành viên: 275
+ Giải quốc tế: 121 thành viên
+ Giải quốc gia: 225 thành viên
+ Giải công nghệ: 15 thành viên
+ Gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam: 03 thành viên
+ Giải quả cầu vàng: 09 thành viên
Hiện nay, nhiều thành viên trưởng thành từ Trung tâm FYT đang đảm nhiệm những vị trí quan trọng tại nhiều doanh nghiệp cũng như các tổ chức đào tạo. Tiêu biểu như Vương Quang Khải – phó tổng giám đốc VinaGame, Vương Vũ Thắng – phó giám đốc VC Corp, Nguyễn Hòa Bình – tổng giám đốc Peacesoft, Đàm Quang Minh – hiệu trưởng trường cao đẳng thực hành FPT… Một số lượng thành viên lớn của FYT đang học tập và làm việc tại nước ngoài đã và đang là niềm tự hào của Việt Nam với bạn bè thế giới.
2. Chương trình Thủ lĩnh trẻ
Bắt đầu từ những năm 2000, FPT phát triển mạnh mẽ với tốc độ trăng trưởng trên 50% cả về doanh thu và nhân sự. Từ năm 2003 – 2005 tổng số nhân sự của toàn tập đoàn FPT đã tăng gấp 2,5 lần và để đảm bảo sự cần bằng trong phát triển nhân sự đòi hỏi đội ngũ cán bộ quản lý cũng có sự phát triển tương xứng. Song song với việc đào tạo và phát triển cán bộ quản lý từ nội bộ, FPT hướng thêm đối tượng trẻ bổ sung từ bên ngoài vào. Chương trình thủ lĩnh trẻ ra đời từ nhu cầu thực tế đó.
Thủ lĩnh trẻ FPT ( FPT Young Leader) là một chương trình tìm kiếm tài năng quản lý trẻ bổ sung vào nguồn lực quản lý của FPT phục vụ cho các mục tiêu mở rộng phát triển của tập đoàn.
Đối tượng của chương trình thủ lĩnh trẻ là sinh viên mới tốt nghiệp hoặc chuẩn bị tốt nghiệp có học lực khá trở lên bao gồm các trường thuộc khối ngành công nghệ, kinh tế và tài chính ngân hàng.
Tiền thân của chương trình Thủ lĩnh trẻ là chương trình thực tập tài năng đã được Ban nhân sự triển khai thực hiện từ năm 2003. Tới năm 2005, Ban nhân sự đã cùng nhóm trợ lý của tổng giám đốc phát triển thành một chương trình hoàn chỉnh với cách thức triển khai bài bản và chuyên nghiệp hơn.
Có thể nói FPT là một trong những doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên thực hiện chương trình tìm kiếm tài năng quản lý trẻ từ đối tượng sinh viên mới tốt nghiệp chính vì vậy mà chương trình Thủ lĩnh trẻ đã nhanh chóng thu hút được sự tham gia của đông đảo sinh viên từ các trường Ngoại thương, Kinh tế, Bách khoa, Công nghệ, Bưu chính viễn thông. Năm 2006 có 1.500 sinh viên tham gia và tới 2007 là gần 3000 sinh viên.
Qua hai lần tổ chức chương tình thủ lĩnh trẻ đã lựa chọn được gần 30 sinh viên xuất sắc được phân công về nhiều bộ phận trong FPT. Hiện nay có nhiều bạn trong số đó đang nắm giữ những vị trí quản lý quan trọng trong công ty thành viên như FTG, FIS.
Tiêp theo sự thành công của những chương trình trước đó năm 2012 ban nhân sự FPT sẽ khởi động lại chương trình Thủ lĩnh trẻ nhằm tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các chương trình chiến lược phát triển của tập đoàn FPT giai đoạn 2012 – 2024.
3. Chương trình quy hoạch cán bộ nguồn FPT (3G)
Với mục tiêu trở thành công ty Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách top 500 Forbes, FPT xác định yếu tố con người sẽ là điều kiện tiên quyết quan trọng để đạt được mục tiêu đó vào năm 2024. Song song với các chương trình đào tạo và phát triển, ban nhân sự FPT đã phối hợp cùng lãnh đạo Tập đoàn, lãnh đạo các công ty thành viên xây dựng và triển khai thực hiện chương trình quy hoạch cán bộ lãnh đạo trẻ kế cận.
Mục đích của chương trình là xác định từ nội bộ những nhân tố trẻ, có khả năng phát triển để trở thành cán bộ quản lý, chuyên gia nòng cốt trong tương lai gần. Đó là những người trẻ có năng lực chuyên môn, đạt được những thành tích ấn tượng trong quá trình công tác và học tập. Ngoài ra họ cũng phải là những người có tinh thần FPT rõ nét như: có khát vọng, đam mê, có ý chí quyết tâm sẵn sàng nhiệm vụ mới, luôn nỗ lực học hỏi và phấn đấu không ngừng.
Ở các tập đoàn lớn trên thế giới công tác quy hoạch cán bộ nguồn được chú trọng rất sớm và là một trong nhiệm vụ bắt buộc phải làm của mỗi cấp lãnh đạo và quản lý. Tuy nhiên tại các Doanh nghiệp Việt Nam công việc này cũng chưa thực sự được chú trọng. Năm 2010 là năm đầu tiên FPT bắt đầu triển khai thí điểm việc quy hoạch cán bộ nguồn với vị trí Giám đốc kinh doanh tại công ty Thương mại FPT (FTG) và vị trí quản trị dự án tại công ty Hệ thống thông tin (FIS).
Sau khi đã lên được khung nội dung chương trình được lãnh đạo tập đoàn phê duyệt thì công việc đầu tiên và quan trọng nhất đó là việc xác định danh sách các cán bộ trẻ trong danh sách quy hoạch. Đây là công việc khó và phức tạp vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các giai đoạn tiếp theo của chương trình. Ban nhân sự FPT phối hợp cùng ban nhân sự của hai công ty thành viên thực hiện đánh giá, rà soát, check 360 độ để có được danh sách cuối cùng.
Cán bộ được quy hoạch sẽ tham gia vào các chương trình đào tạo đặc biệt do học viện lãnh đạo FPT thiết kế dành riêng cho mỗi đối tượng bao gồm các khóa đào tạo chuyên môn và kỹ năng, các hoạt động teambuilding, chương trình Coaching và Mentoring.
Mỗi chương trình đào tạo huấn luyện dự kiến sẽ kéo dài trong ba năm. Sau thời gian này các cán bộ quy hoạch sẽ tiếp tục được đánh giá tổng thể để có những đề xuất phù hợp như bổ nhiệm lên các vị trí cao hơn, điều chuyển sang các lĩnh vực hoạt động mới hoặc nếu không phù hợp sẽ đưa ra khỏi danh sách.
Đến thời điểm này các chương trình đào tạo huấn luyện dành cho các cán bộ quy hoạch trong chương trình thí điểm đầu tiên vẫn đang được tiếp tục với các hoạt động Coaching và Mentoring.
Trong chiến lược nhân sự giai đoạn mới 2011 – 2024 FPT xác định trở thành sự lựa chọn tốt nhất cho người lao động có trình độ công nghệ và trí thức, dẫ đầu Việt Nam về số lượng cán bộ có hàm lượng công nghệ. Chính vì vậy nhân sự tài năng luôn được ưu tiên hàng đầu nhằm tạo ra những bước phát triển mạnh mẽ. Cùng với các chương trình đã triển khai từ nhiều năm qua, tập đoàn FPT sẽ nghiên cứu và triển khai thêm nhiều chương trình mới, hoạt động mới, song song với tiệc tạo môi trường thuận lợi và chế độ đãi ngộ xứng đáng cho những người tài năng phát huy được hết năng lực trí tuệ của mình, làm giàu cho chính bản thân mình, cho cộng đồng và cho đất nước.
Kỷ yếu ngày nhân sự 2011 là: Xây dựng và phát triển tài năng trẻ tại FPT của anh Trần Xuân Hải tại FPT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét